Xử lý lợn cợn trong ao nuôi tôm: Nguyên nhân và giải pháp

Trong nuôi tôm, việc duy trì một môi trường ao nuôi lành mạnh và ổn định là yếu tố then chốt để đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh của tôm.

Lợn cợn trong ao cũng góp phần làm giảm chất lượng nước nuôi

Bên cạnh đó, hiện tượng ao nuôi có lợn cợn luôn là vấn đề mà người nuôi thường gặp phải trong quá trình canh tác. Chúng không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng nước mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe và tốc độ tăng trưởng của tôm, làm giảm năng suất vụ nuôi. Vậy lợn cợn trong ao là gì và làm thế nào để xử lý?

Thế nào là lợn cợn trong ao?

Các lợn cợn hay chất lơ lửng này hầu hết là những chất hữu cơ phát sinh trong quá trình nuôi tôm. Lượng chất lợn cợn càng nhiều, việc phân hủy các chất lợn cợn của vi sinh vật sẽ đòi hỏi nhu cầu về oxy càng cao, dẫn tới nồng độ oxy hòa tan trong ao tôm bị giảm xuống, có khi xuống dưới mức nồng độ khuyến cáo cho tôm nuôi.

Bên cạnh đó, mức độ xuất hiện của chất lơ lửng hay lợn cợn trong ao nuôi cũng phần nào phản ánh được tình trạng của ao nuôi, việc các chất này được hình thành và gia tăng sẽ làm chất lượng nước trong ao giảm đi đáng kể.

Nguyên nhân phát sinh

  • Hiện tượng tảo nở hoa: Những ao nuôi dư thừa chất hữu cơ, mất cân bằng dinh dưỡng Nitơ và Phospho trong điều kiện thuận lợi, các loại tảo độc như tảo lam, tảo mắt, tảo giáp, tảo đỏ,… sẽ phát triển mạnh, sản sinh ra nhiều chất độc gây ra lợn cợn làm nhớt nước ao và tăng lượng cợn.
  • Sụp tảo (tảo chết): Nếu pH trong nước thấp cộng với độ kiềm thấp hoặc diệt tảo không đúng cách sẽ làm tảo chết đồng loạt gây ô nhiễm nước ao nuôi, tạo lợn cợn và váng bọt khó tan.
  • Tích lũy nhiều bùn đáy: Quá trình phân hủy yếm khí tạo ra các khí độc như H2S, NO2, NH3, CH4 từ lớp bùn đáy ao, làm tăng lượng lợn cợn và khí độc, tạo thành váng bọt và gây ô nhiễm nước trong ao.
  • Vi sinh vật dạng sợi phát triển: Với khả năng gây ra các hợp chất kỵ nước và phóng thích các chất bề mặt sinh học khi chết đi, gây nhớt nước và tạo các váng bọt khó tan, ảnh hưởng đến sự phát triển của tôm.
  • Các chất rắn lơ lửng hình thành nhiều trong ao: Chất rắn lơ lửng như đất sét, tạp chất, hoặc chất hữu cơ dư thừa tạo điều kiện cho sự phát triển của lợn cợn, khiến nước bị đục, nhớt, xuất hiện lợn cợn và dần hình thành váng bọt.

Tác động ao nuôi

Trong lợn cợn thường bao gồm các chất hữu cơ, đây là môi trường tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus có hại sinh sôi và phát triển mạnh mẽ. Nếu không kịp thời xử lý sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng.

  • Tôm bỏ ăn: Khi những lợn cợn và thức ăn dư thừa trong ao nuôi tôm quá nhiều, cùng với xác tảo tàn thì rất dễ xúc tác cho khí độc NH3, NO2 và H2S trong ao tôm tăng lên vượt ngưỡng, làm tôm kém ăn, giảm ăn hoặc bỏ ăn hàng loạt.
  • Tôm thiếu ôxy: Lợn cợn nhiều làm giảm lượng oxy trong ao, ảnh hưởng đến hấp thụ oxy của tôm và có thể dẫn đến tình trạng tôm nổi đầu.
Tôm nuôi bị đứt râu, xuất hiện các chấm đen trên vỏ, chân. Ảnh: vagen.com.v
  • Gây bệnh cho tôm: Các mảng lợn cợn trong ao nuôi tôm nhiều sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển gây bệnh cho tôm (cụt râu, mòn đuôi,…). Nếu tôm ăn phải sẽ dễ mắc các bệnh liên quan đến đường ruột như gan, tụy (sưng gan, trống ruột, phân trắng, phân lỏng,…)
  • Cạnh tranh tảo: Lợn cợn còn tạo điều kiện lý tưởng cho tảo độc phát triển, những loại tảo lam sẽ phát triển cạnh tranh với các loại tảo silic có lợi trong ao.

Biện pháp xử lý

  • Gia cố kỹ bờ ao và đảm bảo độ sâu phù hợp: Sử dụng ao lót bạt hoặc lót bạt bờ để tránh rửa trôi đất vào ao khi trời mưa. Nên bảo đảm độ sâu phù hợp để giảm khả năng tích tụ bùn đáy.
  • Quản lý chất lượng thức ăn và lượng cho ăn: Lựa chọn thức ăn có nguồn gốc rõ ràng và quản lý chặt chẽ lượng thức ăn để tránh dư thừa.
  • Xử lý bùn đáy ao: Thực hiện xi-phông và hút bùn đáy ao định kỳ để loại bỏ chất cặn tích tụ.
  • Quản lý tảo ở mật độ phù hợp: Duy trì các chỉ tiêu pH và độ kiềm để kiểm soát sự phát triển của tảo độc.
  • Sử dụng chế phẩm sinh học: Sử dụng chế phẩm sinh học chứa vi sinh vật có khả năng phân hủy bùn đáy và chất hữu cơ dư thừa.
Translate »