Xi Phông Đáy Ao – Giải Pháp Duy Trì Chất Lượng Nước Trong Nuôi Tôm
Chất lượng nước là một trong những yếu tố then chốt quyết định thành công vụ nuôi, chất lượng nước tốt thì tôm nuôi mới phát triển tốt, ít bệnh và cho năng suất cao. Để duy trì nguồn nước tốt, việc xi phông đáy ao đã trở thành giải pháp phổ biến và hiệu quả, được nhiều bà con nông dân áp dụng, đặc biệt trong các mô hình nuôi tôm công nghệ cao.
Xi phông là gì?
Xi phông (hay còn gọi là xifong) có tên tiếng anh là Siphon, dùng để chỉ các thiết bị lưu thông chất lỏng. Các thiết bị xi phông có thể được làm từ nhựa, sắt, thép, inox hoặc có thể là kính.
Trong ao nuôi tôm, xi phông là hoạt động làm sạch thông qua hút các chất thải như thức ăn dư thừa, phân tôm, vỏ tôm, xác sinh vật và tảo,…ra khỏi đáy ao thông qua hệ thống ống dẫn. Việc xi phông có thể được thực hiện với tần suất từ 2 -3 lần/ngày.
Phương pháp xi phông có nguyên lý hoạt động rất đơn giản, bể thải được đặt thấp hơn ao, Chỉ cần vặn van, áp lực nước sẽ đẩy các chất thải dưới đáy ao cùng tôm yếu ra bể chất thải mà không cần sử dụng mô – tơ bơm ly tâm để hút chất thải ra ngoài.
Vì sao phải xi phông đáy ao nuôi?
Để duy trì nền đáy ao luôn sạch sẽ, ngăn ngừa tình trạng nhớt bạt và hạn chế sự tích tụ các khí độc gây hại thì bước xi-phông đáy ao đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu trong quy trình nuôi tôm. Việc xi phông đáy ao sẽ giúp:
– Loại bỏ chất thải trong ao: Trong quá trình nuôi tôm, việc tích tụ các chất cặn bã dưới đáy ao là điều khó tránh khỏi. Những chất thải này bao gồm thức ăn dư thừa, phân tôm, tảo, xác sinh vật và vi sinh vật trong ao. Nếu không được xử lý kịp thời, chúng sẽ phân hủy và sản sinh ra các khí độc hại như NO2, NH3, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của tôm.. Việc thường xuyên xi phông sẽ giúp cho nước ao luôn sạch, xử lý triệt để các chất thải, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường và hạn chế mầm bệnh gây hại cho tôm.
– Hỗ trợ tôm phát triển: Xi phông giúp cải thiện chất lượng nước trong ao bằng cách loại bỏ các chất ô nhiễm như nitơ và amoniac. Điều này khổng chỉ giúp cải thiện môi trường sống của tôm mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật có lợi phát triển, giúp tôm sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh.
– Tiết kiệm chi phí: Việc xi phông có thể giúp tiết kiệm chi phí nuôi tôm bằng cách giảm lượng thức ăn và phân trong ao. Điều này giúp tăng hiệu suất nuôi tôm và giảm chi phí vận hành, vệ sinh ao.
Tùy vào từng loại ao nuôi mà bà con nên lựa chọn phương pháp xi phông phù hợp
3 cách xi phông đáy ao thường gặp
– Xi phông bằng máy bơm: Phương pháp này phù hợp với nhiều diện tích ao nuôi, đặc biệt là ao nuôi trên 2500m2.
+ Thích hợp cho ao nuôi không có hố xi phông.
+ Thích hợp với ao nuôi không bằng phẳng, có đáy lồi lõm.
+ Khi bơm ly tâm hoạt động, máy hút hết chất bùn, thải mà không hút phải vật nuôi.
Thực hiện: Sử dụng 2 ống nước lắp theo hình chữ T đục lỗ nhỏ trên thân và đặt xuống ao. Đấu phần cuối chữ T vào đầu hút nước của bơm ly tâm. Khi xi phông, bùn và chất thải sẽ theo đầu chữ T thoát ra bên ngoài theo ống nước của máy bơm.
– Xi phông bằng máy hút bùn đặt trên bờ:
+ Chỉ áp dụng được những ao có hố gom chất thải.
+ Có thể dung cho ao đất lót bạt đáy hoặc lót bạt hố xi phông.
Thực hiện: Trên bờ sẽ đặt một mô-tơ khoảng 2-3 HP và lắp một ống PVC nối từ mô-tơ đến giữa ao để hút chất thải. Người nuôi dùng bè hoặc phao ngồi để di chuyển đầu xi phông đến vị trí có chứa nhiều bùn đất, chất thải. Trong trường hợp xi phông thường xuyên có thể lội xuống đứng dưới để dễ dàng kiểm tra mức độ sạch hay bẩn của đáy ao.
– Xi phông bằng van tự động: Hệ thống xi phông được đặt ngầm dưới ao và không mất nhiều thao tác. Bể thải được đặt thấp hơn ao có thiết kế hố xi phông, khi mở van, chất thải từ ao sẽ tự động chảy qua bể thải nhờ áp lực nước mà không cần dùng động cơ bơm ly tâm.
+ Sử dụng hiệu quả đối với ao nuôi có diện tích dưới 2500m2, ao lót bạt, ao có hố xi phông, ao đất có đổ bê tông cho hố.
Thực hiện: Cần thiết kế hố xử lý chất thải đủ rộng để chứa toàn bộ chất thải, với chiều sâu từ miệng hố đến đáy là 50cm và đường kính 2m. Ở giữa hố xi phông ghép nối với 1 ống nhựa PVP có bịt lưới đầu ống để ngăn bùn và vật nuôi lọt vào. Đường ống hút nên được chôn dưới đất để không ảnh hưởng đến quá trình cải tạo. Cuối ống cần lắp van xả thải. Sau mỗi vụ nuôi, cần hút sạch bùn trong ống để tránh tình trạng bùn khô cứng, gây tắc nghẽn.