Những kỹ năng tự vệ độc đáo của sinh vật biển

Để sinh tồn trong thế giới đại dương, nhiều sinh vật biển đã hình thành nên những “chiêu thức” tự vệ để bảo vệ bản thân khỏi kẻ săn mồi đáng sợ.

Kỹ năng tự vệ đã giúp sinh vật biển tồn tại tốt hơn giữa trong thế giới đại dương

Cá ngừ và phương pháp “bóng ngược”

Cá ngừ thường sống ở những vùng biển rộng và không có chỗ ẩn nấp nên chúng phải dựa vào màu sắc cơ thể để ngụy trang. Cách thức ngụy trang để tự vệ này được gọi là “bóng ngược”.

Cụ thể, khi nhìn từ trên xuống, lưng cá có màu tối giúp chúng hòa vào nền biển sâu; ngược lại, khi bị quan sát từ bên dưới, phần bụng sáng bạc phản chiếu ánh sáng mặt trời khiến kẻ săn mồi khó nhận ra chúng.

Với cách ngụy trang này, cá ngừ có thể tránh né rất nhiều kẻ săn mồi và tăng cơ hội sinh tồn trong môi trường tự nhiên hơn.

Bạch tuộc “biến hình” trong tích tắc

Nếu ở trên cạn, tắc kè hoa là loài có thể thay đổi màu sắc và hoa văn để “hòa tan” vào cảnh vật xung quanh thì dưới đại dương cũng có một sinh vật là bạch tuộc xứng danh là bậc thầy thay đổi màu sắc chỉ với một phần trên giây.

Theo đó, trên da bạch tuộc có hàng nghìn tế bào sắc tố giúp chúng thay đổi màu sắc. Những tế bào này được đựng trong một “chiếc túi” sắc tố được liên kết với các dây thần kinh. Chỉ cần cựa mình, bạch tuộc đã có thể thay đổi kết cấu, màu sắc làn da mình.

Nhờ đó, chúng có thể dễ dàng ẩn mình dưới những lớp san hô mà không bị kẻ thù hay con mồi phát hiện. Tuy nhiên, dù là một kỹ năng bẩm sinh, nhưng bạch tuộc phải mất từ 1 đến 2 năm để thực hành và trở nên thuần thục.

Rồng biển lá ngụy trang thành thực vật

Hải long hay còn gọi là rồng biển là loài cá đặc hữu ngoài khơi nước Úc. Chúng thuộc họ cá chìa vôi và có họ hàng gần với cá ngựa. Chúng được biết với 3 loài là hải long lá, hải long cỏ và hải long hồng ngọc. Trong đó, hải long là loài có ngoại hình giống với thực vật nhất nên còn được biết với cái tên lá cây.

Nhờ thân hình giống lá, hải long lá dễ dàng “tàng hình” giữa rong rêu, tảo bẹ và tránh kẻ săn mồi. Đặc biệt, loài này có thể đứng yên suốt 68 giờ, điều này giúp chúng hòa vào môi trường tự nhiên lâu hơn và khó mà bị kẻ thù phát hiện.

Cá mập thảm hòa vào san hô

Cá mập thảm sở hữu màu sắc và hoa văn đặc biệt trên cơ thể kết hợp với những tua da quanh đầu và miệng giúp chúng hòa lẫn hoàn hảo vào đáy biển.

Nhờ lớp ngụy trang tự nhiên này, chúng có thể nằm bất động trong cát hoặc rạn san hô hàng giờ mà không lo bị phát hiện.

Khi con mồi đến gần, chúng sẽ bất ngờ tấn công nhanh như chớp, nuốt gọn mục tiêu chỉ trong tích tắc. Nhờ khả năng ngụy trang và săn mồi hiệu quả này, chúng trở thành những kẻ săn mồi đáng gờm dưới đáy đại dương.

Sao biển tái sinh

Sao biển là một loài động vật da gai sở hữu khả năng tái sinh đáng kinh ngạc giúp chúng tồn tại trong môi trường biển đầy cạnh tranh. Một số loài có thể tự tách rời cánh tay của mình khi gặp nguy hiểm; như vậy, kẻ săn mồi chỉ lấy đi một phần nhỏ cơ thể thay vì ăn trọn chúng.

Điều đặc biệt là không chỉ cánh tay bị mất có thể mọc lại mà ở một số loài, phần cánh tay đứt rời thậm chí có thể phát triển thành một con sao biển mới. Nhờ khả năng này, sao biển có thể thoát thân dễ dàng và duy trì quần thể trong tự nhiên.

Sứa biển “tàng hình”

Ngoài việc sở hữu các tế bào châm chứa độc trên xúc tu, có thể tiêm nọc vào kẻ thù hoặc con mồi khi chạm phải để tự vệ, loài sứa còn có một kỹ năng tự vệ độc lạ khác, đó là dùng cơ thể trong suốt để dễ dàng ẩn mình giữa làn nước, tránh sự phát hiện của động vật săn mồi.

Translate »