Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam vừa phân tích khá toàn diện ngành tôm nước ta về vị thế, thành tựu, thách thức, định hướng tăng trưởng xanh và giải pháp phát triển có thể học hỏi từ sự thành công của Ecuador.
Các thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam, năm 2024 hầu hết tăng cao so với năm 2023
Một trong 4 quốc gia hàng đầu thế giới
Nhiều năm qua, Việt Nam là một trong 4 quốc gia sản xuất tôm lớn nhất thế giới. Trong đó, sản lượng tôm thẻ chân trắng lớn nhất thế giới có Ecuador, Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam. Sản lượng tôm sú lớn nhất thế giới có Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia.
Về kim ngạch xuất khẩu tôm từ năm 2022 – 2024, Việt Nam cũng là một trong 4 quốc gia lớn nhất thế giới, gồm Ecuador, Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia. Cụ thể, năm 2022: Ecuador 6,3 tỷ USD, Ấn Độ 5,5 tỷ USD, Việt Nam 4,3 tỷ USD và Indonesia khoảng 2-2,5 tỷ USD. Năm 2023: Ecuador 7,1 tỷ USD, Ấn Độ 4,9 tỷ USD, Việt Nam 3,4 tỷ USD và Indonesia 2 tỷ USD. Năm 2024: Ecuador hơn 7,5 tỷ USD, Ấn Độ khoảng 5-5,2 tỷ USD, Việt Nam 3,88 tỷ USD và Indonesia khoảng 2-2,3 tỷ USD.
Xuất khẩu Ecuador luôn dẫn đầu nhờ sản lượng lớn, xuất khẩu bền vững, tăng trưởng mạnh sang Trung Quốc và Mỹ. Ấn Độ xuất khẩu chủ yếu sang Mỹ, Canada; các năm qua giảm giá trị trung bình nhưng khối lượng tăng nhẹ. Việt Nam duy trì 3 thị trường chính là Mỹ, EU, Trung Quốc; hiện có khả năng phục hồi mạnh với xu hướng tăng tiếp tục. Indonesia tập trung vào Mỹ, Nhật Bản; nếu duy trì khối lượng xuất khẩu có thể giữ vững tăng trưởng.
Thành tựu nuôi và xuất khẩu
Những năm qua, hàng năm Việt Nam nuôi tôm diện tích tăng 5%, sản lượng tăng 8,4%; riêng sản lượng tôm thẻ chân trắng tăng đến 82% trong 5 năm. Xuất khẩu tôm thẻ chân trắng chiếm ưu thế với mức tăng hàng năm 7% và tôm đông lạnh chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch. Nhiều diện tích nuôi tôm áp dụng quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, đạt các chứng nhận quốc tế BAP, Global GAP, ASC..
Công nghệ hiện đại đã làm nên thế mạnh của Việt Nam trong chế biến tôm giá trị gia tăng, xuất khẩu nhiều sang Mỹ, EU, Nhật Bản. Thị trường xuất khẩu tôm Việt Nam đa dạng, đã tới hơn 100 thị trường, với các thị trường lớn có yêu cầu cao như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Canada.
Tôm Việt Nam xuất khẩu năm 2024 đạt 3,88 tỷ USD, tăng 14,4% so với năm 2023
Năm 2024, top 5 thị trường tôm Việt Nam: Trung Quốc & Hồng Kông 843 triệu USD, tăng 39% so với năm 2023; gồm tôm hùm chiếm 51,7%, tôm thẻ chân trắng 36,1%, tôm sú 12,2%. Mỹ 756 triệu USD, tăng 11%; tôm thẻ chân trắng 84,3%, tôm sú 9,3%. Nhật Bản 517 triệu USD, tăng 1%; tôm thẻ chân trắng 67,2%, tôm sú 18,4%. EU 484 triệu USD, tăng 15%; tôm thẻ chân trắng 80,6%, tôm sú 12,2%. Hàn Quốc 334 triệu USD, giảm 2,6%; tôm thẻ chân trắng 80,4%, tôm khác 14,4%, còn lại là tôm sú.
Thách thức với giải pháp tăng trưởng xanh
Sự vượt khó trong thời gian qua cũng hiện lên những thách thức lớn mà ngành tôm Việt Nam đang đối diện. Đó là yêu cầu và rào cản thị trường tăng ở thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp. Thời tiết và khí hậu diễn biến ngày càng bất lợi với lũ lụt, hạn hán, xâm ngập mặn; hạ tầng vùng nuôi hạn chế, quy mô nuôi nhỏ lẻ; nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Tình hình quản lý chưa đạt yêu cầu ở tỷ trọng và tiến độ cấp mã số vùng nuôi còn thấp, khó truy xuất nguồn gốc.
Bối cảnh chung, chi phí sản xuất cao với giá vật tư, logistic không ngừng tăng. Tình hình kinh tế khó khăn do lạm phát, nhu cầu tiêu dùng giảm. Cạnh tranh quốc tế, nhất là với Ấn Độ, Ecuador. Biến động địa chính trị gây thêm bất ổn thị trường, xáo trộn khó lường.
Ngành tôm toàn cầu đã đặt ra xu hướng tăng trưởng xanh. Yêu cầu chuyển đổi cơ cấu loài tôm nuôi: tăng tôm sú và đa dạng hóa sản phẩm. Ứng dụng công nghệ bền vững với hệ thống tuần hoàn, nuôi siêu thâm canh, giảm phát thải carbon (đo lường dấu chân carbon, giảm khí thải nhà kính). Tăng cường truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ blockchain và theo dõi sản phẩm. Chuyển đổi sản phẩm xanh với các chứng chỉ ASC, MSC. Tăng cường hợp tác quốc tế và chính sách hỗ trợ qua UNDP, Ngân hàng Thế giới. Xu hướng này đang dần trở thành yêu cầu tất yếu để ngành tôm duy trì vị thế trên thị trường.
Giải pháp phát triển xanh ngành tôm Việt Nam cũng đã được đặt ra. Đó là phát triển kinh tế tuần hoàn: Tái sử dụng phụ phẩm, xây dựng khu công nghiệp xanh. Nuôi tôm bền vững với nuôi sinh thái, tuần hoàn không xả thải; Ứng dụng công nghệ 4.0, truy xuất nguồn gốc; Tăng cường chứng nhận bền vững giá trị quốc tế. Chú trọng chuyển đổi giống tôm và quản lý dịch bệnh. Quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng để thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường chính sách hỗ trợ ưu đãi và hợp tác quốc tế.
Phát triển xanh đang dần trở thành yêu cầu tất yếu để ngành tôm duy trì vị thế trên thị trường
Bài học từ sự thành công của Ecuador
Nhiều nghiên cứu cho biết, đóng góp vào thành công ngành tôm Ecuador có 4 yếu tố chính:
– Hợp tác: Sự hợp tác giữa các bên liên quan để đạt được tiêu chuẩn cao.
– Tích hợp theo chiều dọc: Kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng.
– Di truyền địa phương: Phát triển tôm địa phương khỏe mạnh và thích nghi.
– Thực hành bền vững: Sử dụng chế phẩm sinh học và mật độ thả nuôi vừa phải
Thành công của Ecuador là bài học cho ngành tôm Việt Nam để nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo sự phát triển bền vững tương lai. Có 5 nội dung cụ thể sau:
– Chọn lọc và cải thiện di truyền giống tôm nội địa: Giảm phụ thuộc vào giống nhập khẩu, đầu tư nghiên cứu và lai tạo chọn lọc để có nguồn giống bản địa chất lượng cao, phù hợp với điều kiện nuôi trong nước.
– Áp dụng mô hình nuôi bền vững, ít thâm canh hơn: Có thể xem xét giảm mật độ nuôi tại các khu vực phù hợp, áp dụng các giải pháp sinh học để duy trì chất lượng nước và sức khỏe tôm.
– Tăng cường tích hợp chuỗi cung ứng: Bằng liên kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nuôi để tạo ra chuỗi cung ứng đồng bộ, nâng cao năng lực cạnh tranh.
– Chuyển đổi sản phẩm theo nhu cầu thị trường: Linh hoạt hơn trong chiến lược sản phẩm, đẩy mạnh chế biến sâu mà không tập trung vào xuất khẩu tôm nguyên liệu.
– Hợp tác trong ngành: Thống nhất mục tiêu phát triển ngành, phối hợp tốt hơn giữa các bên để nâng cao vị thế tôm Việt trên thị trường quốc tế.