Khó khăn trong nuôi tôm năm 2024 và cách phòng ngừa bệnh phân trắng
Năm 2023, cả nước nuôi tôm nước lợ 737.000 ha, cơ bản không tăng so với năm 2022 (Diện tích tôm sú 622.000 ha, tôm thẻ chân trắng 115.000 ha). Sản lượng 1.120.000 tấn (tăng 5,5% so với năm 2022), trong đó, tôm sú 274.000 tấn và tôm thẻ chân trắng hơn 845.000 tấn. Sản xuất tôm giống đạt khoảng 150 tỷ con (tôm thẻ chân trắng 108 tỷ con; tôm sú: 42 tỷ con).
Tỷ lệ nuôi tôm thành công thấp, cùng giá tôm thương phẩm thấp nhiều tháng qua, khiến người nuôi tôm điêu đứng. Nhiều bà con nuôi tôm phải chuyển hướng tìm kế sinh nhai khác, thực trạng này cần có những biện pháp cụ thể giúp bà con vượt qua khó khăn.
Tác nhân gây bệnh bắt đầu từ mầm bệnh. Kết quả PCR (+) với tỷ lệ EHP (Enterocytozoon hepatopenaei) trong gan 50-60% tôm sẽ bắt đầu nhiễm phân trắng sau 30-44 ngày nuôi. Kết quả PCR (+) với tỷ lệ EHP trong gan 80-90% thì tôm sẽ bị nhiễm phân trắng sau 14-20 ngày nuôi. Mầm bệnh gây ra phân trắng bao gồm Vi khuẩn (Vibrio, Shewanella), Ký sinh trùng (Gregarine), Vi bào tử trùng EHP (96,4%), tảo độc (tảo mắt, tảo giáp), thức ăn kém chất lượng độc tố nấm mốc (Mycotoxin, Aflatoxin B1).
Nguyên nhân gây bệnh bao gồm môi trường bên ngoài và trong ao nuôi. Bên ngoài ao nuôi, ao chứa lắng nhiều loài 2 mảnh vỏ, rong, tảo, phù sa. Hệ thống ao xử lý nhiều mùn bã hữu cơ, lâu ngày không vệ sinh, chà rửa, nạo vét. Ao sẵn sàng nhiều xác tảo, phèn, phù sa. Rất ít bà con nuôi tôm quan tâm, tập trung xử lý vấn đề này. Bên trong ao nuôi, mật độ tảo dày, nhớt đáy, oxy chưa đủ cung cấp, thức ăn không định lượng chính xác theo nhu cầu phát triển của tôm, gây dư thừa, phân hủy hữu cơ, phát sinh khí độc.
Tảo là một trong nguyên nhân có thể làm tôm có phân trắng
Ngoài ra, một trong những nguyên nhân gây bệnh do bà con nuôi tôm với mật độ cao. Thời gian xuất hiện bệnh thường giai đoạn tôm nuôi 40 – 90 ngày tuổi (tôm Thẻ chân trắng). Giai đoạn tôm nuôi 60 ngày tuổi đến thu hoạch (tôm sú). Khi thời tiết thay đổi bất thường, nắng nóng kéo dài, mưa dầm. Mật độ nuôi dày ≥ 150 con/m2, thường là nuôi công nghệ cao, khi môi trường ô nhiễm, tảo dày, ao nhiều vật chủ trung gian… bệnh xuất hiện, mau bùng phát.
Về ảnh hưởng, khi nhiễm phân trắng, tôm có gan-tụy bị teo, ruột có dịch màu trắng hay vàng. Tôm bị ốp thịt, mềm vỏ, lột xác dính vỏ, lột xác kéo dài, lâu cứng vỏ. Đường ruột có những chấm màu trắng, vàng nhạt, vàng nâu, gan-tụy teo nhỏ, gan chai cứng. Tôm bị lỏng ruột, nhiều dịch nhớt. Tôm giảm hay bỏ ăn (đến 80%), thân, mang chuyển đen hoặc nâu. Thức ăn không đầy đường ruột, ruột đứt đoạn, trống ruột, lỏng ruột, bóp nhẹ thân tôm phân di chuyển lên xuống. Phân tôm thường dính hậu môn, phân có màu trắng, vàng nhạt, phân nhão, lỏng, dễ nát, dễ rã, mùi hôi tanh. Tôm bệnh sẽ teo cơ, tấp mé, búng nhảy, chết, rớt đáy ngày càng nhiều. Tôm yếu nổi lên mặt ao, bơi lờ đờ, dạt bờ, kéo đàn bơi lòng vòng dọc bờ, ngang bờ ao, hay búng nhảy. Xuất hiện điểm đỏ gốc râu, phần đầu ngực, thân, phần phụ giáp xác khi nhiễm Vibrio. Tôm bị nhiễm ký sinh trùng Gregarine thường có đường ruột ziczac, đốt cuối có dấu hiệu sưng to, màu đục hạt gạo. Màu phân vàng hay trắng, gan teo hoặc nhũn, nhạt màu. Tôm ăn yếu, sinh trưởng chậm, phân đàn, FCR cao.
Đối với tôm, Vibrio spp gây bệnh phát sáng, đỏ dọc thân, ăn mòn vỏ kitin. V. parahaemolyticus gây bệnh phát sáng ở ấu trùng tôm sú. V. alginolyticus gây bệnh đỏ dọc thân ấu trùng tôm sú. V. parahaemolyticus, V. harvey, V. vulnificus, V. anguillarum… gây bệnh đỏ thân ở tôm thẻ nuôi thịt, hay bệnh ăn mòn vỏ ở giáp xác, đốm đen, gan tụy, phân trắng… Tôm ăn yếu, giảm hấp thu dinh dưỡng, tôm chậm sinh trưởng, tỷ lệ sống thấp. Ký sinh trùng Gregarine sinh đầy trong ruột, làm tổn thương các biểu mô thành ruột, hư hại và làm thay đổi các cấu trúc cấu tạo bên trong. Tôm không thể hấp thu được các chất dinh dưỡng từ thức ăn, cạnh tranh giữa các lợi khuẩn trong đường ruột tôm thất thế so với ký sinh trùng, Vibrio.
Kết hợp cùng các tác nhân cơ hội cộng gộp, tấn công liên tiếp dẫn đến ruột tôm hư hại. Tôm tiết dịch tiêu hoá kém, dẫn đến sự lên men thức ăn trong quá trình tiêu hoá, chuyển thối, dẫn đến phân trắng, hoại tử gan tụy. Kết hợp với điều kiện thuận lợi, vi khuẩn thuộc nhóm Vibrio cơ hội tấn công, làm cho gan tụy sưng, giảm khả năng tiết dịch tiêu hoá, gây teo hoặc nhũn gan tụy. Khi ruột hư hại, dẫn tới quá trình lên men thối, gan nhũn hoặc teo, có thể gây ra hiện tượng phân trắng.
Để phòng ngừa, cần xử lý nước ao nuôi định kỳ, kiểm soát mật độ tôm, bổ sung chất hỗ trợ sức khỏe gan-tụy, đường ruột. Xử lý nước ao cần định kỳ, giảm thiểu khí độc, điều chỉnh thức ăn phù hợp để tránh dư thừa. Diệt khuẩn và sổ ký sinh trùng định kỳ cũng quan trọng. Trong trường hợp tôm đã bị nhiễm bệnh, cần điều trị ngay theo hướng dẫn của chuyên gia.
Bài viết này cung cấp các biện pháp cụ thể giúp bà con nuôi tôm giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ sức khỏe đàn tôm.