Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, ngành tôm thời gian qua đạt được nhiều thành tựu nhưng còn hạn chế lớn ở chi phí sản xuất cao; do liên kết chưa chặt chẽ, mạnh ai nấy làm nên ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao giá trị sản phẩm thiếu toàn diện. Để khắc phục, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai một số dự án nuôi tôm nước lợ đã chuyển giao nhanh công nghệ mới cho người dân ở nhiều địa phương đạt kết quả khả quan và năm 2025 tổ chức nhân rộng.
Các mô hình thực hiện liên kết ngang giữa các thành viên trong HTX và THT, liên kết dọc với các đơn vị cung cấp đầu vào và bao tiêu đầu ra
Liên kết theo chuỗi giá trị
Liên kết 6 nhà (quản lý; khoa học; nuôi; cung ứng giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường; cơ sở thu gom; cơ sở chế biến) giữa HTX dịch vụ và THT tôm – lúa ở thị trấn Phước Long (Phước Long, Bạc Liêu) với 30 ha. Liên kết 5 nhà (như trên nhưng trừ cơ sở chế biến) tại THT nuôi tôm trên cát ở xã Quỳnh Lập (Hoàng Mai, Nghệ An) với 3 ha; và 2 HTX nuôi tôm công nghiệp quy mô nhỏ ở thị trấn Cồn (Hải Hậu, Nam Định); 3 THT nuôi tôm-rừng sinh thái ở xã Giao Thiện (Giao Thuỷ, Nam Định) với 30 ha.
Các mô hình thực hiện liên kết ngang giữa các thành viên trong HTX và THT, liên kết dọc với các đơn vị cung cấp đầu vào và bao tiêu đầu ra. Kết quả đã hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng kỹ thuật mới và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi. Nhờ đó, giống đảm bảo nguồn gốc xuất xứ; thuốc và hoá chất giá thấp hơn 10%-15% so với thị trường. Giảm hệ số thức ăn 5%, thành công hơn mô hình khác 20%. Các HTX và THT được hỗ trợ đạt chứng nhận VietGAP.
Hiệu quả kinh tế năm 2024: Năng suất tôm-lúa 0,58 tấn/ha, đạt 69,5 triệu/ha; tôm-rừng 0,56 tấn/ha, đạt 55,5 triệu/ha; Nuôi tôm công nghiệp quy mô nhỏ 12 tấn/ha, đạt 1,3 tỷ/ha; Nuôi tôm trên cát 25 tấn/ha, đạt 2,5 tỷ/ha. Từ thành công, đã tập huấn nhân rộng mô hình cho 120 người ở 3 tỉnh Bạc Liêu, Nghệ An, Nam Định.
Tôm sú – lúa hữu cơ
Chủ trì là Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Bồ Đề, thực hiện ở các tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau. Áp dung quy trình nuôi tôm 2-3 giai đoạn, sử dụng chế phẩm sinh học trong suốt quá trình nuôi giúp giảm phân bón lúa, tăng thức ăn tự nhiên, giảm lượng thức ăn bổ sung cho tôm.
Kết quả năm 2024, tạo ra sản phẩm lúa thơm, tôm sạch, giảm chi phí sản xuất trong 1 chu kỳ canh tác tôm – lúa tương đương 10 -15 %. Hiệu quả kinh tế tăng gấp 1,3 lần so với chỉ trồng lúa hoặc nuôi tôm truyền thống.
Hiệu quả kỹ thuật: Tôm đạt tỷ lệ sống 31%; thu hoạch cỡ bình quân 30 gr/con; hệ số thức ăn 1,05; năng suất tôm 718 kg/ha; sản phẩm đạt hơn 70% số tiêu chí đánh giá cơ sở nuôi tôm hữu cơ theo TCVN 11041.8. Năng suất lúa 6,1 tấn/ha. Hiệu quả kinh tế: Bình quân lợi nhuận trên 97 triệu đồng/ha, trong đó lợi nhuận tôm trên 68 triệu đồng/ha, lợi nhuận lúa 29 triệu đồng/ha.
Nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ sinh học
Mô hình nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản II chủ trì, thực hiện ở tỉnh Bến Tre, Bạc Liêu, Kiên Giang.
Quy trình nuôi sử dụng các loại chế phẩm sinh học, vi sinh để phát triển thức ăn tự nhiên, ổn định môi trường và tăng sức đề kháng, sinh trưởng cho tôm nuôi. Hạn chế tối đa sử sụng các loại hóa chất để tránh ảnh hưởng đến môi trường, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.
Kết quả năm 2024: Cỡ tôm thu hoạch 60 con/kg; năng suất 20 tấn/ha/vụ. Giai đoạn ương nuôi tôm giống (giai đoạn 1) tỷ lệ sống 90%. Giai đoạn nuôi tôm thương phẩm (giai đoạn 2) mật độ 100 con/m2; cỡ tôm giống 1.500 con/kg; thời gian nuôi 90 ngày; cỡ tôm thu hoạch 60 con/kg; tỷ lệ sống 70%. Cả 2 giai đoạn, hệ số chuyển đổi thức ăn FCR 1,1.
Xây dựng được chuỗi liên kết cung ứng giống, vật tư và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm với các hợp đồng cụ thể. Bước đầu, tạo liên kết 5 nhà (quản lý; khoa học; nông dân; cung ứng giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường; cơ sở thu gom, tiêu thụ sản phẩm) khá chặt chẽ.
Nuôi tôm thẻ chân trắng đạt VietGAP
Thực hiện tại tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh do Công ty CP Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Nghệ An chủ trì.
Trong năm 2024, triển khai 3,6 ha ở phường Mai Hùng (Hoàng Mai, Nghệ An) và xã Kỳ Thư (Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Kết quả, giai đoạn ương nuôi tôm giống (giai đoạn 1) tỷ lệ sống 95%. Giai đoạn nuôi thương phẩm (giai đoạn 2) thời gian 80 ngày; cỡ tôm thu hoạch 20 g/con; năng suất 16 tấn/ha; tỷ lệ sống 80%. Cả 2 giai đoạn, hệ số thức ăn PCR 1,1. Cơ sở nuôi đạt chứng nhận VietGAP.
Kết quả đã tăng hiệu quả kinh tế. Giá bán tôm bình quân 230.000 đ/kg, người nuôi thu 1.472.000.000 đồng/vụ đối với diện tích nuôi 0,4 ha; trừ chi phí còn lợi nhuận 670.000.000 đồng/vụ.
Nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn trên ao lót bạt
Mô hình này gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, thực hiện 2,7 ha ở xã Quảng Châu (huyện Quảng Trạch) và xã Hạ Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình).
Kết quả năm 2024: Giai đoạn 1 tỷ lệ sống trên 90%; cỡ tôm sau ương 1.200 – 1.500 con/kg. Giai đoạn 2 tỷ lệ sống trên 80%; cỡ thu hoạch 40 – 60 con/kg; năng suất 18,9 tấn/ha/vụ. Cả 2 giai đoạn, hệ số thức ăn FCR 1.1. Các cơ sở nuôi đạt chứng nhận VietGAP.
Tăng hiệu quả kinh tế 50% so với nuôi truyền thống. Quản lý nuôi khoa học, giảm các chi phí đầu vào như thức ăn, thuốc, chế phẩm sinh học; tôm tăng trưởng nhanh, kích cỡ đồng đều, hạn chế dịch bệnh, từ đó giảm chi phí sản xuất.
Đặc biệt, tạo thói quen cho người dân ghi chép sổ nhật ký theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, góp phần truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nuôi tôm chuyển biến dần có trách nhiệm với môi trường, với người lao động, với người tiêu thụ thông qua các bước thực hiện theo VietGAP.