Giảm thiểu tác động từ biến đổi khí hậu đến hoạt động nuôi trồng thủy sản

Biến đổi khí hậu là một mối đe dọa lớn đối với sản xuất lương thực toàn cầu – bao gồm thủy sản và nuôi trồng thuỷ sản. Nó trực tiếp tác động, làm thay đổi các yếu tố môi trường sinh thái của động vật thủy sản ngoài tự nhiên và trong ao nuôi, do đó ảnh hưởng đến các hoạt động khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản.

Nuôi trồng thủy sản
Việc xem xét những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trước khi xây dựng hệ thống ao nuôi là rất quan trọng

Thực hiện tốt công tác quản lý

Cải thiện các biện pháp quản lý là động thái đầu tiên hướng tới thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, nâng cao độ an toàn sinh học, xem xét giảm mật độ thả giống và có sự đảm bảo về địa điểm nuôi.

Việc thực hiện các biện pháp quản lý tốt nhất trên mọi khía cạnh sản xuất sẽ cải thiện khả năng phục hồi tổng thể của trại nuôi. Khi khí hậu thay đổi sẽ kéo theo sự gia tăng về nguy cơ nhiễm bệnh vì hệ thống miễn dịch của động vật bị tổn hại khi chúng bị stress do sự thay đổi đột ngột của môi trường (ví dụ, mưa lớn làm độ mặn của nước trong ao giảm đột ngột, vượt quá ngưỡng chịu đựng của tôm khiến tôm bị sốc và gây chết hàng loạt).

Đảm bảo sức khỏe vật nuôi thông qua việc thực hiện công tác quản lý kể trên sẽ giảm thiểu rủi ro về dịch bệnh, nâng cao khả năng chống chịu cho vật nuôi. Bên cạnh đó, góp phần đảm bảo vệ sinh, chất lượng nước và giúp tăng hiệu quả sử dụng thức ăn.

Nuôi tích hợp đa dạng loài

Người xưa có câu “Đừng bỏ hết trứng vào một giỏ”, cho thấy việc nuôi tích hợp nhiều loại trong ao là một chiến lược thường được sử dụng để phân tán rủi ro và giảm thiểu tổn thất.

Khi lựa chọn các loài có thể mang lại lợi ích cho nhau, việc đa dạng hóa ao nuôi cũng giúp giảm lãng phí và tăng năng suất bằng việc sử dụng sản phẩm phụ của một loài này để làm đầu vào (chẳng hạn như thức ăn) cho các loài khác. Điều này cũng giúp đa dạng hóa nguồn thu nhập cho người nuôi, ổn định sản xuất và tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên.

Ví dụ, với mô hình nuôi kết hợp giữ nông sản và thủy sản, nước ao hồ có thể dùng để cho tưới cây trồng, còn chất thải cây trồng có thể dùng làm thức ăn cho cá. Ngược lại, chất dinh dưỡng trong nước ao nuôi từ chất bài tiết của cá đóng vai trò như một loại phân bón tự nhiên cho cây trồng. Thảm thực vật trên đê ao hỗ trợ cây thêm vững chắc và giúp giảm xói mòn.

Việc lựa chọn các chủng và giống cho cả vật nuôi và cây trồng sao cho phù hợp với từng điều kiện nuôi là điều quan trọng vì trong hầu hết các trường hợp, chúng thích nghi tốt nhất với khí hậu và các mầm bệnh của từng địa phương.

Thả giốngChọn lựa nguồn giống khỏe mạnh là bước đầu cho sự thành công

 

Phân tích, dự đoán rủi ro

Trong quá trình lựa chọn địa điểm và lên kế hoạch nuôi, cần thực hiện phân tích các rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Dựa vào đó, người nuôi có thể có các biện pháp phòng chống thiên tai phù hợp.

Nếu nhận thấy rủi ro rất cao và không có biện pháp giảm thiểu nào thì nên cân nhắc việc di dời ao nuôi đến khu vực an toàn hơn. Tuy nhiên, với các vụ nuôi chu kỳ ngắn vẫn có thể thực hiện ở những khu vực được dự báo là có hạn hán hoặc lũ lụt thường xuyên và kéo dài.

Chẳng hạn, có thể nuôi một loài cá sinh trưởng nhanh và thu hoạch trước khi mùa mưa hoặc mùa khô bắt đầu. Thả cá giống lớn hơn cũng rút ngắn thời gian nuôi và cũng giảm rủi ro trong sản xuất. Hoặc, nuôi các loài có khả năng “thở trên cạn” như cá da trơn, cá tra, cá lóc, cá rô đồng,…có thể là một lựa chọn khả thi khi chất lượng nước bị hạn chế. Trong trường hợp khẩn cấp, những loài như vậy cũng sẽ thuận tiện cho việc vận chuyển, di dời đến nơi khác.

Hệ thống cảnh báo sớm

Biết được dự báo thay đổi thời tiết, tùy tình huống mà người nuôi thực hiện thu hoạch vụ nuôi sớm, tăng cường trang thiết bị, tỷ lệ thay nước hay cung cấp sục khí. Ảnh: nongnghiep.vn

Thông tin kịp thời từ các nguồn tin tức, dự báo thời tiết có thể giúp người nuôi thủy sản ứng phó và chuẩn bị cho những thay đổi thất thường của khí hậu nhanh hơn. Dự báo thời tiết trực tuyến hàng ngày cung cấp thông tin về các sự kiện thời tiết cực đoan sắp tới, như gió, bão hay thủy triều dâng cao. Khi những thay đổi về độ mặn, nguồn nước và các thông số quan trọng khác được dự đoán trước, người dân có thể có các biện pháp phù hợp để trang bị cho ao nuôi của mình nhằm giảm thiểu tổn thất và thiệt hại.

Công nghệ được sử dụng trong các hệ thống cảnh báo sớm bao gồm trí tuệ nhân tạo, do thám và hình ảnh vệ tinh cũng như Internet of Things. Các công ty như Scoot Science và Blue Lion Labs sử dụng các công cụ để dự đoán diễn biến của các hiện tượng cực đoan trên đại dương và hiện tượng tảo nở hoa (HAB).

Đối với mô hình nuôi biển, để hạn chế thấp nhất thiệt hại trong mùa mưa bão, người nuôi cá lồng cần kiểm tra, gia cố lại hệ thống dây neo, phao và chủ động di chuyển lồng nuôi về địa điểm an toàn, có điều kiện môi trường thuận lợi.

Những trường hợp lồng bè không thể di chuyển được cần có giải pháp làm giảm tốc độ của dòng chảy. Che chắn lồng bè bằng lưới có kích thước mặt lưới phù hợp để tránh thủy sản nuôi thoát ra ngoài, chú ý bảo đảm các hệ thống dây điện, máy sục khí tạo oxy cho cá khỏi ngạt khí.

Thức ăn NTTSThức ăn đầy đủ dinh dưỡng sẽ là yếu tố thứ hai trong nuôi trồng thủy sản

 

Cải thiện cơ sở hạ tầng

Đối với các mô hình nuôi trên đất liền, việc nâng cấp đê cao và chắc chắn hơn có thể tránh khỏi tình trạng bị lũ lụt, hơn thế còn tạo thêm độ sâu cho ao nuôi phòng khi hạn hán và thời tiết oi bức, giúp ổn định nhiệt độ và tăng lượng oxy hòa tan dự trữ.

Đê phải được làm kiên cố nhất có thể để chống chọi với lũ lụt và bão, thông qua việc áp dụng các tỷ lệ chính xác về chiều cao, chiều rộng và độ dốc của đê. Lưới có thể được giăng trên đê xung quanh ao nuôi để ngăn thất thoát cá khi xảy ra lũ hoặc mưa lớn.

Đối với những vùng thường có mưa lớn hoặc lũ lụt, trên hết phải đảm bảo nước có thể chảy ra khỏi ao nuôi. Chú trọng việc thiết kế đường ống, cống lấy nước và thoát nước cũng như kênh thoát nước đều quan trọng. Kênh phải đủ rộng và sâu, có thể chứa thêm nước trong trường hợp mưa lớn hoặc lũ lụt.

Trường hợp khu vực này trải qua thời kỳ khô hạn, kênh dẫn nước có thể hữu ích trong việc cung cấp nguồn nước từ biển hoặc sông cho ao nuôi (các hồ chứa nước hay ao dự phòng cũng có thể được xây dựng để làm đệm cho các đợt khô hạn).

Đối với hoạt động nuôi biển, cấu trúc lồng, neo và lưới phải chất lượng, đảm bảo đủ chắc chắn để chịu được gió bão mạnh. Các trại nuôi cũng cần trang bị công cụ để bắt lại cá (phòng trường hợp cá bơi đi mất), do phần lớn lồng nuôi được các hộ dân làm bằng vật liệu sẵn có tại địa phương, như: tre, nứa, luồng… nên nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão là rất cao.

Translate »