Công nghệ “sông trong ao” nuôi cá trắm cỏ ở Việt Nam

Ngày 24/4/2024, Tép Bạc có bài giới thiệu công nghệ nuôi cá “sông trong ao” (IPRS) do các chuyên gia thủy sản của Hội đồng xuất khẩu đậu nành Hoa Kỳ thực hiện ở nhiều nước trên thế giới, trong đó ở Việt Nam từ năm 2017.

Cá trắm cỏ
Cá trắm cỏ là một trong những loài cá nước ngọt quan trọng ở Đồng bằng sông Hồng

Nhằm cung cấp thêm thông tin cho bạn đọc về công nghệ mới mẻ này, xin giới thiệu kết quả nuôi cá trắm cỏ thương phẩm với hệ thống IPRS ở tỉnh Hà Nam do Tiến sỹ Bùi Ngọc Thanh tổ chức.

Mục đích và kết quả chung

Nghiên cứu thử nghiệm được thực hiện tại trang trại IPRS với 2 ngăn máng nuôi tại huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, vào năm 2019-2020. Mục tiêu chính là đánh giá năng suất và lợi nhuận của sản xuất cá trắm cỏ bằng công nghệ IPRS, cụ thể là nuôi cá trắm cỏ bằng công nghệ IPRS có mang lại lợi nhuận hay không?

Cá trắm cỏ được chọn thả trong 2 ngăn máng và nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Cá tăng trưởng từ 1.150g – 3.150g và đạt sản lượng 14,467 tấn ở ngăn máng A sau 150 ngày thả nuôi; còn ở ngăn máng B cá tăng trưởng từ 750g – 2.750g và đạt sản lượng 12,342 tấn sau 189 ngày thả nuôi.

Doanh thu thuần là 134.549.285 đồng ở ngăn máng A và 12.396.200 đồng ở ngăn máng B. Tỷ lệ hoàn vốn đầu tư (ROI) là 22,85% ở ngăn máng A, cao hơn 10 lần so với ngăn máng B (2,14%). Nghiên cứu này cho thấy IPRS là một công nghệ nuôi trồng thủy sản tuyệt vời nhưng người nuôi cá phải tuân theo tất cả các nguyên tắc để tối đa hóa lợi nhuận và hiệu quả sử dụng công nghệ.

Cá trắm cỏ (Ctenopharyngodon idella) là một trong những loài cá nước ngọt quan trọng ở Đồng bằng sông Hồng nước ta. Kể từ khi IPRS được giới thiệu, hơn 200 ngăn ngăn máng đã được xây dựng và áp dụng ở Việt Nam để nuôi các loại cá khác nhau, trong đó có nhiều cá trắm cỏ.

Chi tiết kỹ thuật và hiệu quả

Trang trại IPRS sử dụng trong nghiên cứu thử nghiệm được xây dựng dựa trên thiết kế mỗi ngăn máng đáp ứng tiêu chuẩn bao gồm cung cấp đủ lượng nước qua ngăn máng nuôi, đơn vị nước trắng, hệ thống thu gom chất thải hệ và hệ thống sục khí bổ sung. Cụ thể, chiều dài 2m kết nối, lắp đặt thiết bị nước trắng-WWU ở thượng nguồn của ngăn máng, 25m chiều dài vùng sản xuất, 3m vùng nước tĩnh.

Cá trắm cỏCá trắm cỏ

 

Cá trắm cỏ giống sử dụng 5.120 con, kích thước trung bình 1.100g/con thả vào ngăn máng A ngày 16/12/2019 và 5.500 con với kích thước trung bình 750g/con thả vào ngăn máng B ngày 11/2/2020. Sử dụng thức ăn công nghiệp với tỷ lệ 31% đạm thô và 8% chất béo, cho cá ăn 2 lần/ngày.

Cá ở ngăn máng A thu hoạch ngày 14/5/2020, tính ra năng suất đạt 57,87kg/m3, tăng trưởng trung bình 13,67g/con/ngày, với tỷ lệ sống 89,97% và FCR là 2,0. Cá ở ngăn máng B thu hoạch ngày 25/8/2020, năng suất 48,4kg/m3, tăng trưởng trung bình 10,10 g/con/ngày, tỷ lệ sống 81,6% và FCR là 2,1.

Kết luận

Sản lượng cá thu hoạch ở cả hai ngăn máng tương đối thấp, đặc biệt ở ngăn máng B. Do thiếu cá giống chất lượng cao nên người nuôi không thả đủ số lượng cá giống ban đầu. Hơn nữa, giống cá trắm cỏ có kích thước lớn từ ao đất truyền thống được vận chuyển và thả trong ngăn máng, việc xử lý chưa đúng yêu cầu là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ chết tương đối cao.

Ngoài ra, sự khác biệt về chất lượng di truyền của cá giống cũng có thể dẫn đến tỷ lệ tăng trưởng chậm ở ngăn máng B với trung bình chỉ 10,10g/con/ngày, so với ngăn máng A trung bình là 12,67g/con/ngày. Lợi nhuận ròng trên tổng chi phí (ROI) lần lượt là 22,85% và 2,14% ở ngăn máng A và B.

Có thể thấy ROI thay đổi giữa hai ngăn máng, cao ở ngăn máng A, nhưng rất thấp ở ngăn máng B. Yếu tố quan trọng là năng suất hệ thống quyết định lợi nhuận trong nuôi trồng thủy sản sử dụng công nghệ IPRS. Điều này cho thấy ban đầu người nuôi nên thả số lượng cá tối ưu trong IPRS để đạt được năng suất và lợi nhuận tối đa. Để làm điều đó, các trang trại IPRS phải lập kế hoạch và tuân theo các nguyên tắc thiết kế, quản lý, vận hành.

Tuy vậy, đây là vụ nuôi đầu tiên ở một trang trại IPRS có 2 ngăn máng nuôi. Chủ trang trại hài lòng với ROI ở ngăn máng A (22,85%), nhưng thất vọng với ROI ở ngăn máng B (2,14%). Chủ trang trại cũng hiểu rằng chất lượng cá giống không đồng đều thả ngăn máng B là nguyên nhân chính dẫn đến ROI thấp. Kết luận rút ra là cần có kế hoạch chuẩn bị cá giống chất lượng cao, gần trại IPRS.

Qua kết quả nghiên cứu thử nghiệm cũng cho thấy, người nuôi cá có thể tăng năng suất và lợi nhuận bằng cách tối ưu hóa mật độ nuôi với chất lượng cá giống cao. Điều này đã được hàng trăm máng nuôi xây dựng về sau rút kinh nghiệm, thực hiện và đạt được kết quả khả quan.

Translate »